CẨM NANG TRỊ MỤN TRỨNG CÁ


Mụn trứng cá (bệnh trứng cá) là bệnh lý ngoài da thông thường, nhưng ảnh hưởng khá lớn đến diện mạo, tâm lý... của bệnh nhân khi mà lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là thanh thiếu niên với nhu cầu giao tiếp xã hội cao. Theo thống kê, có tới hơn 80% thanh thiếu niên Việt Nam bị mụn trứng cá, thực trạng trên không chỉ là mối quan tâm, bức xúc của thanh thiếu niên mà còn của các bậc phụ huynh. Trong cuốn cẩm nang này đề cập tới những vấn đề chính về cách “Điều trị và phòng ngừa mụn trứng cá hiệu quả”. Mong rằng cuốn cẩm nang này giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về mụn trứng cá.


>> ĐIỀU TRỊ TRỨNG CÁ: CHỌN ĐÔNG HAY TÂY Y?



1. Kiến thức chung về mụn trứng cá.

1.1. Mụn trứng cá là gì? Có phải mụn trứng cá thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên?

Mụn trứng cá biểu hiện trên da là hiện tượng viêm nang lông tuyến bã. Trong nang lông, tích tụ chất bã nhờn do tuyến bã bài tiết chưa được thải ra ngoài (do miệng nang lông bị tắc nghẽn hoặc tuyến bã nhờn hoạt động quá nhiều) sẽ tích tụ trong lỗ chân lông tạo thành nhân mụn. Thêm vào đó là tác động của các vi khuẩn như: P.acnes có sẵn trong nang lông tuyến bã tăng sinh, các tụ cầu, P.ovale bội nhiễm từ ngoài gây nên mụn mủ, mụn bọc. Mụn trứng cá thường mọc ở mặt, đôi khi ở lưng, vai ngực và có nhiều dạng khác nhau: mụn cám, mụn bọc, mụn mủ..., tái phát liên tục với di chứng là các vết sẹo, vết thâm trên mặt.

Mụn trứng cá thường khởi phát vào thời kỳ thanh thiếu niên (nên Đông y gọi là Thanh Xuân đậu). Ở tuổi này, cùng với sự phát triển nhanh về cơ thể, các tuyến nội tiết đặc biệt là các Hormon giới tính hoạt động mạnh khiến các tuyến mồ hôi và tuyến bã cũng bài tiết mạnh hơn. Kết hợp với tâm lý nóng vội, chăm sóc da không đúng cách khiến mụn càng nặng, lâu khỏi và dễ tái phát hơn. Tuy nhiên, một số người qua tuổi này vẫn bị mụn trứng cá.

2. Nguyên nhân gây mụn trứng cá.

2.1. Tuyến bã nhờn có phải là nguyên nhân chính gây nên mụn trứng cá? Tại sao có sự phân biệt mụn bọc, mụn đầu đen, mụn đầu trắng?

Tuyến bã nhờn là một loại tuyết tiết trong cơ thể, thường đi kèm với một nang chân lông (nên gọi tắt là tuyến bã nhờn lông) tiết ra chất bã nhờn (Sebum) có tác dụng làm trơn bề mặt da. Sự bài tiết của tuyến bã nhờn chịu ảnh hưởng trực tiếp của hormon sinh dục nam (Androgen). Khi hormon này hoạt động mạnh sẽ kích thích các tuyến bã nhờn tăng tiết, đào thải chất bã ra ngoài. Vì một nguyên nhân nào đó khiến miệng tuyến bã bị tắc nghẽn, hoặc tuyến bã nhờn bài tiết quá mức làm cho các chất tiết không được bài tiết kịp mà tích tụ tại lỗ chân lông. Nếu cộng thêm tác động của vi khuẩn có sẵn trong nang lông tuyến bã (P. acnes) tăng sinh, hoặc kèm theo bội nhiễm của một số vi khuẩn khác như: tụ cầu, P. ovale… gây nên tình trạng mụn mủ, mụn bọc với biểu hiện sưng, nóng đỏ đau. Trường hợp không bị nhiễm trùng sẽ tạo thành mụn đầu trắng, bị bịt kín. Khi mụn đầu trắng bị hở ra bên ngoài và gặp hiện tượng oxy hóa thì phần ngoài của nhân mụn sẽ trở thành màu đen, nên gọi là mụn đầu đen.

2.2. Các yếu tố như: căng thẳng thần kinh (stress), mất ngủ, thức khuya, táo bón, ăn uống không điều độ (ăn nhiều chất cay nóng, đường, uống nhiều chất kích thích như café, rượu…) có liên quan gì đến mụn trứng cá?

Không phải là nguyên nhân chính, nhưng các tác nhân trên khiến mụn trứng cá nặng thêm hoặc có khi cũng là nguyên nhân gây mọc mụn trứng cá. Mặc dù chưa có những nghiên cứu được công bố rộng rãi nhưng một số báo cáo khoa học cũng như qua thực tế đều cho thấy yếu tố ăn uống, sinh hoạt, tâm lý ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng nổi mụn trứng cá.

Nếu như tình tạng thức khuya, mất ngủ, stress khiến cơ thể tăng sản xuất hormone từ tuyến thượng thận làm tăng sản xuất androgen do đó tăng hoạt động của tuyến bã, thì việc ăn quá nhiều chất cay nóng, chất đường, mỡ hay lạm dụng chất kích thích như café, rượu… cũng gián tiếp khiến lượng chất nhờn của tuyến bã tăng tiết. Đó đều là nguyên nhân gián tiếp khiến mụn trứng cá diễn biến xấu hơn. Do vậy, đối với những người đang bị mụn trứng cá hoặc có nguy cơ mắc, các Bác sỹ Da liễu luôn khuyến cáo nên ăn uống, sinh hoạt điều độ, đảm bảo cân bằng chất dinh dưỡng.

2.3. Lạm dụng mỹ phẩm, nhất là các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc bôi các chế phẩm chứa corticoid có gây bộc phát mụn trứng cá?

Theo thống kê của các phòng khám, bệnh viên chuyên khoa Da liễu, tình trạng lạm dụng mỹ phẩm gây nổi mụn trứng cá đang ngày một gia tăng. Nguyên nhân chính do các thành phần trong mỹ phẩm thường là các chất dầu, một mặt giúp tạo thể chất cho sản phẩm, một mặt đáp ứng yêu cầu làm đẹp. Tuy nhiên, chính những thành phần này gây tắc nghẽn lỗ chân lông khiến các chất bã nhờn không thoát ra ngoài mà tích tụ hình thành nhân mụn trứng cá.

Mặt khác, một số người sử dụng mỹ phẩm thường không vệ sinh da sạch, hoặc lưu lại mỹ phẩm quá lâu trên da khiến một số chất trong mỹ phẩm bị oxy hóa, thay đổi tính chất gây kích ứng da, đồng thời là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có sẵn trên da tăng sinh cũng như các vi khuẩn bên ngoài, bụi bẩn xâm nhập gây bội nhiễm. Việc sử dụng một số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ gây nổi mụn trứng cá mà còn gây dị ứng nghiêm trọng khác… Do vậy, với những người đang bị mụn trứng cá, hoặc những người có da nhạy cảm nên hạn chế trang điểm, hoặc nên sử dụng loại mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không gây kích ứng da.

Hiện nay, rất nhiều người sử dụng các chế phẩm chứa corticoid, các loại kem trộn không rõ xuất xứ để điều trị mụn trứng cá. Mặc dù trong 2-3 ngày đầu mụn giảm do tác dụng chống viêm của Corticoid tương đối mạnh. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó là gây teo da, rạn da, phát ban dạng mụn trứng cá đỏ… và bệnh nhân ở trong tình trạng phụ thuộc corticoid, gây khó khăn trong điều trị.

2.4. Mụn trứng cá có liên quan đến tình trạng “gan nóng” trong Đông y không?

Cho tới ngày nay, nhiều người vẫn quan niệm “Mụn trứng cá có liên quan đến tình trạng của Gan”. Và do vậy, họ tăng cường sử dụng các loại thuốc mát gan, bổ gan để trị mụn trứng cá. Thực tế cho thấy dù uống mãi các sản phẩm này mà mụn vẫn không hết. Vậy “gan nóng” có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này không?

Như chúng ta đều biết nguyên nhân gây mụn trứng cá do sự tăng tiết bã nhờn và bội nhiễm tại nang lông tuyến bã. Trong khi đó, Gan là một cơ quan trong cơ thể chuyên sản xuất mật dùng để tiêu giảm chất độc hại ra khỏi cơ thể và giúp tiêu hóa. Do vậy gan khỏe mạnh cũng góp phần cho việc có một làn da đẹp, mịn màng hơn. Dấu hiệu bị bệnh ở gan thường thể hiện ở làn da chủ yếu là tình trạng vàng da. xạm da… chứ chưa có bằng chứng nào nói lên sự liên quan giữa mụn trứng cá và tình trạng của Gan.

Do vậy chưa có cơ sở khoa học lý luận khi nói rằng các bệnh về gan như gan nóng, bệnh hoàng đản có liên quan đến việc nổi mụn trứng cá.


3. Điều trị mụn trứng cá?

3.1. Mục đích điều trị mụn trứng cá?

Hiện nay, việc điều trị mụn trứng cá hướng tới ba mục tiêu:

- Làm sạch mụn, tan nhân mụn, kể cả mụn bọc có mủ, hạn chế tình trạng viêm da do mụn trứng cá bội nhiễm.

- Giảm tỷ lệ mụn trứng cá tái phát.

- Khắc phục dần các vết sẹo.

3.2. Phác đồ điều trị mụn trứng cá phổ biến hiện nay?

Mụn trứng cá là bệnh ngoài da nhưng việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn và hay tái phát. Trên thị trường, các thuốc trị trứng cá phổ biến là các chế phẩm bôi ngoài da tác dụng tại chỗ với mục đích chống viêm nhiễm, giảm sừng hoá da, tạo sự thông thoáng cho lỗ chân lông… Trường hợp trứng cá nặng, bội nhiễm, các kháng sinh đường uống cũng được các Bác sỹ chỉ định. Các chế phẩm trên chỉ dừng lại ở việc điều trị triệu chứng chứ không điều trị được nguyên nhân gây mụn trứng cá cũng như không ngăn chặn mụn tái phát. Hiện nay, các Bác sỹ Da liễu đã đưa ra phác đồ chung điều trị mụn trứng cá (tùy vào từng trường hợp cụ thể để áp dụng):

- Rửa sạch mặt, giúp lỗ chân lông thông thoáng bằng các chế phẩm làm sạch phù hợp với da.

- Giảm lượng chất nhờn bài tiết trên da bằng các chế phẩm giảm tiết.

- Trường hợp mụn mủ, nên bôi chế phẩm chứa kháng sinh, kháng khuẩn vào vị trí mụn, ngày bôi 2 lần. Trường hợp nặng Bác sỹ có thể chỉ định dùng thêm kháng sinh đường uống.

- Kết hợp các thảo dược tác dụng hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, giảm mụn mọc thêm, ngăn mụn tái phát. 

- Đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hợp lý.

Trường hợp bị viêm da nặng, nên đến phòng khám chuyên khoa da liễu để khám và điều trị. 

3.3. Chế độ ăn uống, sinh hoạt khi bị mụn trứng cá?

- Không nên ăn quá nhiều chất ngọt, chất béo, chất cay nóng, chất kích thích như rượu, bia,…

- Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi có nhiều vitamin, uống đủ nước nhưng không nên lạm dụng các nước như: cà phê, các loại nước ngọt đóng chai…

- Ăn, ngủ đều độ, tránh thức khuya.

- Tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm thiểu stress.

- Tránh táo bón.

3.4. Chăm sóc da đúng cách khi bị mụn trứng cá?

- Bỏ thói quen sờ tay lên mặt để nặn, cạy mụn vì sẽ gây bội nhiễm, tổn thương da và tạo sẹo.

- Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lỗ chân lông như: Lạm dụng mỹ phẩm, đổ mồ hôi nhiều…

- Chọn lựa các sản phẩm rửa, dưỡng phù hợp với từng loại da mặt: các sản phẩm rửa không gây kích ứng, không chứa các chất tẩy rửa mạnh…

- Nên rửa mặt 2 – 3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da đỏ, ngứa do tác dụng của thuốc đang điều trị. Có thể sử dụng sữa rửa mặt thích hợp với từng loại da. Khi rửa không nên dùng khăn chà xát vì sẽ làm trầy xướt da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng khăn, gạc sạch.

3.5. Kết hợp các thảo dược trong điều trị mụn trứng cá?

Do tính chất của mụn trứng cá tái phát thường xuyên, trong khi các chế phẩm chứa: kháng sinh, kháng khuẩn, tiền vitamin A,... không được khuyến cáo dùng dài ngày do một số tác dụng phụ. Qua thực tế điều trị cho thấy: Việc kết hợp các chế phẩm bôi ngoài da tác dụng tại chỗ ( hoặc các kháng sinh đường uống) với các sản phẩm uống hỗ trợ điều trị mụn trứng cá từ thảo dược đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn, giúp ngăn mụn mọc thêm, giảm mụn trứng cá tái phát. Các bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị mụn trứng cá có nguồn gốc từ thảo dược an toàn khi dùng thường xuyên hàng ngày.

Các vị thảo được thường được sử dụng trong các bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị mụn trứng cá phải kể đến như: Bồ công anh, ngưu hoàng, đại hoàng, sơn đậu căn... có tác dụng thanh huyết nhiệt, thanh phế nhiệt, tiêu viêm, tán ứ, trừ nhiệt độc... tái lập cân bằng sinh lý da; một số kháng sinh thực vật cũng thường phối hợp trong bài thuốc trị trứng cá như: Kim ngân hoa, Xuyên tâm liên, chi tử...

3.6. Điều trị sẹo, vết thâm do mụn trứng cá để lại?

Điều trị mụn trứng cá đã là một vấn đề nan giải, việc khắc phục tình trạng sẹo do mụn trứng cá để lại còn nan giải hơn. Hiện nay, chưa có một loại thuốc xóa sạch sẹo, vết thâm nhanh chóng. Một số phương pháp áp dụng chưa phổ biến hiện nay gồm:

- Cà da: Phương pháp này sử dụng một công cụ đặc biệt bằng thép để cà láng da. Cảm giác rất đau, bệnh nhân phải băng bó mặt và giữ vệ sinh tuyệt đối để tránh tình trạng nhiễm trùng da.

- Phẫu thuật, cắt ghép da: Thường được áp dụng cho sẹo căng hay sẹo trứng cá, đậu mùa. Phương pháp này thường làm 1 lần, tuy nhiên một số trường hợp cần phải phẫu thuật đến lần thứ 2, 3 mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số rủi ro có thể xảy ra trong khi phẫu thuật là nhiễm trùng, da bị biến chứng.

- Điều trị bằng laser: Phương pháp này sử dụng ánh sáng đơn sắc với nguồn năng lượng rất cao để xóa sẹo. Tình trạng da rát, ửng đỏ là hiện tượng thường gặp trong khi điều trị. Bệnh nhân cần mất trung bình khoảng 1 năm để liên kết collagen và elastin phục hồi, vì vậy không nên quá kỳ vọng vào việc nhìn thấy kết quả ngay sau khi điều trị.

Các phương pháp trên chi phí rất tốn kém, yêu cầu kỹ thuật điều trị cao. Người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa da liễu để đảm bảo tính an toàn trong qua trình điều trị.

Đối với các bạn trẻ trong độ tuổi dậy thì, khả năng tái tạo của da rất lớn. Nhiều bạn không điều trị sẹo mà chỉ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, hạn chế mụn mọc thêm, mụn tái phát thì sau một thời gian các vết thâm, sẹo mờ dần và da trở nên bình thường. Ngoài ra, để giảm tình trạng sẹo mụn, một số biện pháp sau cũng được áp dụng:

- Dầu oliu: Dùng dầu oliu tinh khiết, bôi lên vết sẹo thâm. Mỗi ngày nên thực hiện từ 2 đến 3 lần.

- Dầu vitamin E: Vitamin E là loại chế phẩm rất tốt cho da, bên cạnh khả năng nuôi dưỡng làn da, dầu vitamin E còn có thể sử dụng để trị sẹo do mụn trứng cá để lại. Bẻ viên nang Vitamin E và bôi vào vết sẹo ngày từ 1 đến 2 lần. Để đạt hiệu quả cao, cùng thời điểm đó, có thể uống kết hợp vitamin E và bổ sung thêm hàm lượng viatamin C.

- Nước cốt chanh: Ngoài tác dụng trị sẹo, nước chanh nguyên chất còn có khả năng tẩy trắng làn da. Đặc biệt, nước cốt chanh thích hợp với mọi làn da, có thể bóp nước từ quả chanh, dùng bông cồn thấm trực tiếp lên vết sẹo. Không đau đớn, không tổn thương da.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tư vấn trực tuyến